Số 21-22, Ngõ 1, Kiều Mai, Phúc Diễn, Bắc Từ Liêm, Hà Nội

THỦ CÔNG MỸ NGHỆ MÂY TRE ĐAN

Trong phát triển làng nghề thủ công truyền thống và ngành nghề thủ công mỹ nghệ Việt Nam, lĩnh vực sản xuất mây tre đan chiếm một vị trí quan trọng. Trong các làng nghề mây tre đan của Hà Nội hiện nay, tiêu biểu nhất là làng nghề mây tre đan Phú Vinh, xã Phú Nghĩa, huyện Chương Mỹ. Làng nằm dọc theo trục quốc lộ 6A nối liền Hà Nội với các tỉnh miền núi phía Bắc, cách huyện lỵ Chương Mỹ 5km, cách trung tâm Hà Nội 27 km theo hướng Tây Nam.

Làng Phú Vinh được coi là “xứ Mây” nổi tiếng về nghề đan mây tre với lịch sử phát triển nghề lâu đời. Ông tổ thật sự của nghề mây tre đan ở Phú Vinh là ai không rõ. Các cụ cao niên kể lại rằng, cách đây chừng 400 năm, Phú Hoa Trang (nay là Phú Vinh) có một địa danh là bãi Cò Đậu do ở đây có rất nhiều cò, sau gọi chệch là Gò Đậu. Lông cò thường rụng trắng một vùng gò, có người thấy thích nhặt về tết thành mũ, nón rất xinh xắn. Ban đầu họ dùng thấy đẹp, bền liền làm thành quà tặng người thân, bạn bè, dần dần được yêu thích và nhiều người đến tìm mua. Lâu dần, lông cò có hạn, người dân tìm thêm cỏ lác, cỏ lau mọc sẵn ngoài đồng và lên rừng tìm các thứ vật liệu mềm dẻo như tre, mây, giang… để sản xuất thành các đồ gia dụng như rổ, rá, rế, làn… Qua thời gian, nhiều vật liệu mới được bổ sung, các mẫu mã sản phẩm được cải tiến, kỹ thuật đan mây tre của người làng được nâng cao để sản phẩm ngày càng tinh xảo và có giá trị kinh tế hơn. Nghề mây tre đan từ đó đã lan rộng sang các làng xã khác trong vùng rồi vươn ra hơn 20 tỉnh thành trong cả nước.

Thủ công mỹ nghệ mây tre đan

Mỗi sản phẩm mây tre đan là một tác phẩm nghệ thuật, đòi hỏi kỹ thuật, mỹ thuật tinh xảo, công phu của những đôi bàn tay tài hoa, khéo léo. Muốn có một tác phẩm như ý, trước tiên người thợ làng Phú Vinh phải hiểu rõ thứ nguyên liệu mà mình định làm. Ví dụ như cây tre, nứa, vầu, trúc... và nhiều loại tre bương khác là loại cây thuộc họ lúa. Cây tre là loại cây mọc thẳng, có độ cứng cao, khô thì giòn, đặc biệt tre có chứa chất đường nên dễ bị mọt ăn nên khi sử dụng vào việc đan phải xử lý chống mọt.

Để sản xuất sản phẩm phải trải qua nhiều bước, từ khâu chọn mua, xử lý nguyên liệu, đến chế tác sản phẩm. Nguyên liệu mua về được phơi tái. Sau đó cho vào bể ngâm hoá chất khoảng 10 ngày để chống mối mọt. Sau đó vớt tre ra để nghiến mấu, cạo vỏ, dùng giấy giáp đánh bóng và phơi tre khô.

Làng nghề mây tre đan Việt Nam

Công đoạn tiếp theo là đưa tre vào lò, dùng rơm, rạ hoặc lá tre để hun lấy mầu, sản phẩm có mầu nâu tây hay nâu đen, là do yêu cầu của khách hàng. Sau khi hun lấy mầu, đưa tre ra khỏi lò để nguội và đưa lên uốn thẳng. Bước vào công đoạn đóng đồ, những người thợ cả chọn nguyên vật liệu để cắt ra các mặt hàng sao cho phù hợp những sản phẩm được ra đời. Màu sắc của sản phẩm có nhiều loại, có thể là từ màu nguyên thuỷ của mây hun hay được hỗ trợ qua cách pha chế sơn PU.

Mây là lâm sản được sử dụng làm nguyên liệu cho sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ, đồ dùng trong gia đình (nội thất) như bàn, ghế hay giỏ đựng... Ruột mây chứa nhiều nước hơn vỏ ngoài, khi mây khô tự nhiên có màu trắng ngà dẻo và dai. Độ bền của mây nếu không bị ẩm có thể từ 100 năm trở lên. Cây mây lớn rất chậm, mỗi năm nó chỉ dài thêm ra được 1 mét, khi dài tới 5 mét thì phải thu hoạch. Cây mây non hoặc già quá chất lượng đều kém.

Sản Phẩm Mây Tre Đan Việt Nam

Kỹ thuật chế biến mây bao gồm hai công đoạn: phơi sấy và chẻ mây.

Khi sấy, nhiều khói quá hay ít khói quá mây cũng bị đỏ. Khi phơi, gặp mưa thì sợi mây mất vẻ đẹp, mà nắng thì sợi mây mất vẻ tươi. Sợi mây chưa khô tới thì nước da bị úa, mà khô kiệt quá thì nước da mất vẻ óng mềm. Do đó, phơi sấy mây đòi hỏi phải đúng kỹ thuật. Người làm các công việc này không thể sao nhãng mà phải liên tục săn sóc, theo dõi như người chăn tằm vậy.

Lẩy mấu là công đoạn đầu tiên của chế biến mây. Cây mây dù dài hay ngắn cũng chỉ cắt mỗi đoạn 3m, nắn cho đoạn mây thẳng rồi mới lẩy mấu. Chẻ mây là công việc công phu, đòi hỏi tay nghề khá cao. Cây mây thường có các đốt không đều nhau, bởi thế, khi chẻ cần chú ý điều khiển thật khéo sao cho các phần to và nhỏ phải đều nhau.Yêu cầu chủ yếu của việc chẻ mây là các sợi mỗi loại phải thật đều. Loại sợi to để đan cạp các sản phẩm thường. Loại sợi nhỏ dùng để làm những loại hàng quý, hay để tạo các loại hoa cầu kỳ... Kỹ thuật chẻ lẻ khi làm nan sợi tre, mây của ta chính là một sáng tạo quý báu. Tùy thanh tre, cây mây to, nhỏ mà quyết định chẻ chẵn hay chẻ lẻ. Để tạo một cỡ sợi mây, nếu chẻ cây mây nhỏ làm tư, làm sáu thì chẻ cây to hơn làm bảy hoặc chín sợi.

Các nan sau khi chẻ được đem chuốt để có những sợi mây mượt mà, phẳng bóng, sau đó được phơi ngoài nắng cho thật khô, để nước trong sợi mây thoát hết ra ngoài. Để cho sản phẩm có độ đa dạng về màu sắc, sau khi sấy các sợi mây sẽ được nhúng vào các chậu lá cây sòi băm nhỏ đã được nấu sôi. Đây là cách tạo màu hoàn toàn tự nhiên, không hóa chất giúp cho sản phẩm mây tre đan của Phú Vinh không gây hại cho sức khỏe người sử dụng và có độ bền màu cao tới 30-40 năm.

Chất lượng và mỹ thuật sợi mây là một trong hai yếu tố quyết định giá trị của sản phẩm mây đan. Người Phú Vinh vốn có tay nghề rất cao. Họ hiểu sâu sắc cây mây, thứ vật tư quan trọng nhất của nghề mây, thuộc nết thuộc tính từng cây, từng sợi mây. Sản phẩm mây được làm ra ở đây đã đạt đến đỉnh cao nhất trong nghệ thuật đan mây hiện nay của Việt Nam. Thành công này trước hết thuộc về công lao các nghệ nhân.

Ngày nay, các khâu cắt tiện, pha chẻ và chuốt nan tre, nứa, giang, song, mây, guột... đã từng bước được cơ giới hoá, nhưng mọi sản phẩm mây tre đan cao cấp đều phải thao tác thủ công, nên nghề đan cũng có khuôn mực của nó, ấy là phương pháp và kỹ thuật đan, cài. Dù là thợ hay nghệ nhân, không ai có thể vượt ra ngoài khuôn mực ấy. Chẳng hạn, khi đan các loại dần, sàng, thúng, nia, lồng bàn..., đã đan lóng mốt là chỉ được bắt nan lóng mốt, nếu đan lóng đôi chỉ được bắt đều nan lóng đôi. Đan sai lóng là lỗi ngay. Trong nghề đan mây cũng thế, khi đan chân dung đã bắt năm thì phải đè năm, bắt sáu hoặc bốn đều bị lỗi.

Sản phẩm mây tre đan có rất nhiều loại nhưng được phân thành 4 nhóm cơ bản: Hàng đĩa (nan mỏng, không có cạp, đan lát đơn giản, hàng không chắc chắn); Hàng rô (nan mỏng, có cạp, đan lát nhiều lần tạo lồ nhỏ, hàng tương đối chắc chắn; Hàng tê (nan dày phải vót, đan lát đơn giản, hàng cứng cáp nhưng không thoáng); Hàng lô (nan dày, đan lát có cốt (khuôn hàng), hàng cứng cáp chắc chắn).

Trong các nghề thủ công, nghề mây, tre hiện đang bảo tồn được truyền thống khá tốt. Nét đặc trưng truyền thống trong sản phẩm mây tre là hình dáng đơn giản, mộc mạc nhưng kỹ thuật đan rất tinh xảo. Không thể phủ nhận, nghề mây tre đan đã giải quyết công ăn việc làm cho một lượng lớn lao động nông thôn, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho người lao động. Hiện nay, sản phấm mây, tre, giang đan của Phú Vinh đã chen chân vào được những thị trường khó tính như: Nhật Bản, Mỹ, Hà Lan, Đức, Tây Ban Nha ... Mây tre đan cũng đã trở thành một hàng hoá có trong danh mục xuất khẩu sang thị trường các nước. Thị trường xuất khẩu mây tre đan ngày càng mở rộng và giá trị kim ngạch thu được ngày càng nhiều, được xếp vào nhóm các hàng hoá xuất khẩu quan trọng của nước ta hiện nay. Nhưng để mây tre đan trở thành hàng hoá thương mại, các làng nghề cần có nhà tổ chức sản xuất, các doanh nghiệp xuất khâu có quy mô lớn, trọng thẩm mỹ, biết khám phá thị hiếu, thị trường.

Phương thức sản xuất của làng nghề song song tồn tại hai cách: Hoặc là lấy mẫu ở các cơ sở thu gom, rồi tự mua nguyên liệu, tiến hành chế tạo, gia công sản phẩm, sau khi được một số lượng nhất định thì mang đi bán. Hoặc là làm trực tiếp tại nhà các hộ kinh doanh theo kiểu làm công ăn lương.

Người Phú Vinh cha truyền con nối làm nghề này, nhà nào cũng có người làm nghề mây tre đan, từ thanh niên trai tráng, phụ nữ đến người già, trẻ nhỏ. Trước đây, sản phẩm từ mây tre đan chủ yếu là đồ dùng phục vụ cuộc sống sinh hoạt hàng ngày như thúng, mủng, dần, sàng, túi, hộp... Đến nay đã sáng tạo được hàng trăm mẫu hàng xuất khẩu như: đĩa mây, lẵng mây, làn mây, chậu mây, bát mây; sản phẩm mỹ nghệ như: đồ trang trí, chao đèn, rèm cửa, tranh chân dung, phong cảnh, hoành phi, câu đối, bàn, ghế, sa lông; đồ nội thất khách sạn, nhà hàng bằng tre trúc.   

Hiện nay trên địa bàn xã Phú Nghĩa đã hình thành 16 doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất và kinh doanh các mặt hàng mây tre đan xuất khẩu, trong đó có 9 doanh nghiệp kinh doanh tập trung tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa đã được quy hoạch, số còn lại là những doanh nghiệp, tổ hợp sản xuất nhỏ nằm trong các hộ dân. Để đưa những tác phẩm mây tre đan nổi tiếng của Phú Vinh đến với người tiêu dùng trên khắp các châu lục, rất cần sự đóng góp vô cùng quan trọng của các doanh nghiệp này.

Trong số các doanh nghiệp sản xuất và xuất khẩu mây tre đan mạnh nhất của Phú Vinh, phải kể đến Công ty TNHH Đoàn Kết 1. Được hình thành và phát triển trong cái nôi làng nghề của xã Phú Vinh, huyện Chương Mỳ, từ mô hình ban đầu là hộ sản xuất gia đình, tô sản xuât cá thể, qua từng bước phát triển, đến nay, Công ty TNHH XNK Đoàn Keết 1 đã trở thành một trong những doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực sản xuất, xuất khẩu mây tre đan, thủ công mỹ nghệ, với 3 cơ sở sản xuất có tổng diện tích gần 20.000 m2 nhà xưởng, thu hút gần 200 lao động thường xuyên trực tiếp tại các cơ sở của Công ty và hàng trăm lao động thời vụ tại các cơ sở vệ tinh, các hộ gia đình, góp phần cải thiện thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho bà con ở các khu vực nông nghiệp, nông thôn. Thu nhập bình quân của CBCNV trong Công ty là 1,8 triệu đồng/người/tháng. Sản phẩm của cho các doanh nghiệp mây tre đan tiếp cận các nguồn vốn tín dụng, ngân hàng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển thị trường, xúc tiến thương mại tại các thị trường trọng điểm; hỗ trợ tài chính, thiết bị, các thông tin liên quan đến thị trường, sản phẩm mây tre, thủ công mỹ nghệ trên thế giới, tạo sức mạnh liên kết giữa: Nhà nước - Nhà Doanh nghiệp - Nhà Nông, để đưa vị thế xuất khẩu mây, tre đan Việt Nam lên một tầm cao mới, góp phần gìn giữ tôn vinh những giá trị truyền thống của làng nghề, tạo việc làm cho phần lớn những người nông dân làm nông nghiệp ở nông thôn. Đó cũng là chủ trương lớn của Đảng và Nhà nước ta đang quan tâm giải quyết vấn đề Tam nông.

Với hơn 400 hộ làm nghề năm 2002, Phú Vinh được công nhận là làng nghề truyền thống mây tre đan. Xóm Thượng, xóm Hạ, Đầm Bung, Gò Đậu là điểm đến, đồng thời cũng là nơi dừng chân cho mỗi ai có ý định du lịch làng nghề hay yêu thích đồ mây, tre, giang đan.

Vào thời vua Thành Thái, làng nghề truyền thống Phú Vinh có 09 cụ nghệ nhân đã được nhà vua phong sắc. Thời nào cũng vậy, lớp nghệ nhân cao tuổi, tài hoa, yêu nghề, bám trụ với nghề, đã truyền nghề lại cho con cháu họ, đưa thương hiệu nghề đan mây Phú Vinh phát triển lên tầm cao mới. Câu lạc bộ Nghệ nhân Phú Vinh được thành lập năm 2007, tập hợp được 19 nghệ nhân và thợ giỏi tham gia, trong đó, người cao niên nhất 85 tuổi và trẻ nhất là 25 tuổi. Câu lạc bộ này với mục đích chính là tập hợp những nghệ nhân, thợ giỏi đoàn kết sát cánh, cùng phát huy những tài năng nghệ thuật của mình để giữ gìn, bảo vệ nghề truyền thống, sáng tạo ra nhiều mẫu mã đẹp, nhiều tác phẩm mới, đáp ứng nhu cầu thị trường thế giới trong hội nhập hiện nay.

Đã là thợ làng nghề Phú Vinh, không ai là không biết đến tên tuổi của cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu (1905 - 1983). Cụ là người làng Phú Vinh, có đôi bàn tay khéo léo đến lạ kỳ. Cụ là nghệ nhân thành công đầu tiên đan ảnh chân dung Bác Hồ bằng chất liệu dây mây truyền thống. Khi còn sống, cụ Khiếu vẫn từng nói: “Nghề đan mây - một nghề cho ra nghề quả là khó nên chỉ được gọi là thành công khi làm được ra những sản phẩm mỹ nghệ có hồn. Khi ta đang cầm sợi mây đan, ta chợt thấy chim vồ cánh bay, càng ngắm càng thấy chim bay cao dần. Tết hoa cũng vậy, làm sao để người ngắm mà thấy hoa nở tươi hơn, duyên dáng hơn”.

Dùng sợi mây, nan tre, để làm được việc đã khó, nhưng còn khó hơn nhiều khi dùng nó để mô tả phong cách, dáng điệu một chân dung con người. Nếu như các hoạ sỹ vẽ tranh được dùng tới 7 màu cơ bản để thể hiện tác phẩm, thì với nghệ nhân đan mây, chỉ có thể dùng 2 màu đen, trắng. Màu đen là màu của cật giang được nhuộm từ nước quả bàng, còn màu trắng là màu trắng ngà tự nhiên của dây mây. Với 2 màu ấy, nghệ nhân phải nghiên cứu, tính toán, đan làm sao cho toát lên cái hồn của tác phẩm. Tả phong cảnh có thể chấp nhận, nếu có sai sót kỹ thuật, còn tả chân dung một con người phải làm sao vừa đẹp vừa giống, là điều cực khó. Nếu đẹp mà không giống thì cũng bỏ đi, nếu giống mà lại không đẹp thì cũng vô ích.

Cố nghệ nhân Nguyễn Văn Khiếu là người thành công trong nghề đan mây tả phong cảnh và tả chân dung người, đến đời con trai là nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, đã rất thành công trong lĩnh vực nội thất mây tre đan. Ông Tĩnh vẫn đang tiếp nối nghề truyền thống cha ông, hàng ngày lưu giữ những tinh nghệ, trải nghiệm tỷ mỷ của cha mình như một báu vật. Con trai ông Tĩnh là Nguyễn Văn Quang 22 tuổi, nhập ngũ năm 2004, đến đầu năm 2007, Quang rời quân ngũ về nối nghiệp cha ông. Tác phẩm đầu tay của anh Quang là một cái lọ lục bình cao 4,1m, được sách kỷ lục Việt Nam công nhận trong Hội hoa 2009, đã hoàn thành, trên mặt thành lục bình ấy được tả 4 điểm nhấn gồm Chùa Một Cột, Khuê Văn Các, Tháp Rùa và Rồng thời Lý đang bay lên. Đây là công trình do Quang thiết kế, anh trai Quang là Nguyễn Văn Bình làm cốt rồi cả nhà khởi công đan từ ngày 10/10/2007. Với gia đình nghệ nhân Nguyễn Văn Tĩnh, công trình này mang giá trị tinh thần lớn lao không thể quy đổi thành tiền. Đây là tác phẩm đầu tay của cháu nội cố nghệ nhân Khiếu, dành dâng tặng Đại lễ ngàn năm Thăng Long - Hà Nội.

Tiếp nối lớp nghệ nhân lão làng, anh Hoàng Văn Hạnh và chị Nguyễn Thị Hân là những người đầu tiên có sáng kiến kết hợp tinh hoa của hai làng nghề gốm Bát Tràng và mây tre đan Phú Vinh, tạo ra một loại sản phẩm mỹ nghệ mới - gốm sứ quấn mây. Ý tưởng kết hợp sợi mây, sợi giang với gốm sứ đã được anh Hạnh ấp ủ từ mấy chục năm nay. Đó là những năm 90 của thế kỷ trước, khi nghề mây tre đan ở Phú Vinh bị "tắc" đầu ra, người dân đổ xô đi làm hàng chợ như rổ, rá... để kiếm sống. Xót xa và trăn trở với việc giữ nghề, anh Hạnh đã vào Đồng Nai, TP. HCM tìm kiếm thị trường. Tại đây, anh đã nảy ra ý định kết hợp cói với sứ Bình Dương và được khách nước ngoài rất thích, đặc biệt là du khách Pháp. Sau 4 năm bươn chải nơi đất khách, anh trở ra Bắc và tìm thấy ở gốm Bát Tràng có nhiều tông màu rất họp với màu trắng ngà và màu sẫm của mây Phú Vinh, tạo nên những mảng sáng tối cho sản phẩm.

Phát hiện của anh đã được bàn tay khéo léo của người vợ chắp thêm cánh với những kiểu dáng độc đáo. Sản phẩm mây quấn gốm của anh chị gồm gần 60 kiểu dáng khác nhau, nổi bật bởi tính độc đáo, đã giành được nhiều huy chương vàng trong các kỳ hội chợ.

Sau hoà bình lập lại, theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, các nghệ nhân Phú Vinh đã không quản ngại phân tán nghề, ra đi truyền nghề cho nhiều địa phương trong và ngoài Tỉnh. Ví như cụ Trần Văn Rắn đi truyền nghề ở Hà Nam, cụ Ngô Văn Phàn và Trần Thị Chuyện đi truyền nghề cho tỉnh Thái Bình và nhiều cụ khác đi truyền cho nhiều địa phương các tỉnh bạn. Tính đến nay, các lớp nghệ nhân ở làng nghề Phú Vinh đã nhân cấy nghề cho tất cả 12 tỉnh, thành phố trên cả nước, học và duy trì nghề mây, tre đan. Hiện nay, nhiều thế hệ nghệ nhân như: Nguyễn Văn Khiếu, Nguyễn Văn Kinh, Nguyễn Văn Kiệu, Hoàng Văn Khu... tuy họ đã ra đi, nhưng sự nối tiếng với đôi bàn tay vàng được ghi nhận qua những tác phẩm đạt giải quốc tế vẫn còn lưu danh tên tuổi các cụ.

Nói đến truyền nghề ra nước ngoài, phải nhắc tới nghệ nhân Nguyễn Văn Trung. Năm 1980 ông được tặng giải “Tuổi trẻ sáng tạo” tại Liên Xô và làm giảng viên mây tre tại trường Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội. Với tài năng của mình, năm 1983 ông được Ủy Ban khoa học Nhà nước và Bộ Đại học cử sang nước Cộng hòa Cu Ba làm chuyên gia giúp nước bạn giảng dạy về làm hàng thủ công mỹ nghệ. Trong 4 năm nhận nhiệm vụ (1982 - 1987), ông Trung đã xây dựng và đào tạo được một xưởng nghề cho nước bạn, giải quyết việc làm cho 300 công nhân. Năm 1987 trước khi trở về nước ông làm tặng nhân dân Cu - Ba bức chân dung vị lãnh tụ Phi-đen Ca-xtơ-rô bằng chất liệu mây.

Năm 2007 ông thành lập Trung Tâm Dạy Nghề Tư Thục Mây Tre Đan Phú Vinh được UBND Thành phố phê chuẩn. Trung tâm đào tạo được 4.300 lao động ở Hà Nội và các tỉnh khác như: Hòa Bình, Phú Thọ, Vĩnh  Phúc, Tuyên Quang, Hà Giang, Nam Định, Quảng Nam, Quảng Ngãi. Bản thân ông cũng đã đào tạo cho 600 lao động ở các địa bàn khác nhau của khác tỉnh thành. Trong đó có 320 lao động là hội viên hội nông dân như: xã Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Phú Nghĩa, Đông Phương Yên, Quảng Bị, Hoàng Diệu. Sau khi học xong 65% học viên làm việc tại công ty và có thu nhập ổn định. Ngoài công việc của công ty ông dành thời gian và tâm huyết đào tạo đội ngũ thợ trẻ kế cận. Ông còn thường xuyên tổ chức dạy nghề và tạo công ăn việc làm cho người khuyết tật. Đặc biệt mở 22 lớp dạy nghề miễn phí cho hơn 600 người khuyết (1 lớp nghề với chi phí khoảng 50 triệu 1 lớp). Một mặt đào tạo và dạy nghề cho những người khuyết tật mặt khác thu mua hàng của những người khuyết tật không lấy lãi.

Với tài năng và những đóng góp của mình ông được nhận rất nhiều bằng khen, giấy khen, các chứng chỉ quốc gia, quốc tế. Ông vinh dự được Hiệp hội làng nghề Việt Nam phong tặng “nghệ nhân làng nghề năm 2005”, UBND Tỉnh Hà Tây phong tặng “nghệ nhân Hà Tây năm 2006”, UBND TP Hà Nội phong tặng “Nghệ nhân dân gian 2009”. Ông cũng được nhiều lãnh đạo cao cấp của Nhà nước đến thăm và động viên. Năm 2015 ông được UBND TP Hà Nội tặng bằng khen là điển hình tiên tiến trong phong trào thi đua yêu nước ngành Công Thương. Sự cống hiến và lòng yêu nghề của ông thực sự là một tấm gương sáng để thế hệ ngày nay noi theo.

messenger zalo

A PHP Error was encountered

Severity: Notice

Message: fwrite(): write of 65 bytes failed with errno=122 Disk quota exceeded

Filename: drivers/Session_files_driver.php

Line Number: 248

Backtrace:

A PHP Error was encountered

Severity: Warning

Message: session_write_close(): Failed to write session data using user defined save handler. (session.save_path: /home/nhnismn8/nisshingroup.vn/cache)

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: